Những bất cập trong đào tạo CNC

23-12-2015|4540

Hơn 10 năm về trước, CNC là một lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với ngành Công nghệ chế tạo máy ở Việt Nam. Máy CNC lúc đó giống như là một món đồ xa xỉ, chỉ để dùng để gia công những sản phẩm chính xác trong các doanh nghiệp và trong các trường thì chủ yếu để cho các giảng viên tìm hiểu.

Ngày nay, máy CNC đã xuất hiện ở hầu hết các doanh nghiệp và các xưởng gia công cơ khí, nó không chỉ được dùng ở lĩnh vực gia công chính xác mà còn được dùng ở nhiều công việc và nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, công việc đào tạo CNC tại các trường kỹ thuật lại có vẻ như chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của lĩnh vực CNC ở nước ta hiện nay. Các trường đào tạo thường nghiêng về lý thuyết và rất nặng về giảng dạy câu lệnh trong chương trình CNC. Trong khi đó việc thực hành và ứng dụng chương trình CNC vào thực tế gia công thì vẫn chưa được chú trọng. Sinh viên học xong môn CNC có thể viết được các câu lệnh để máy tính mô phỏng thành biên dạng chi tiết nhưng lại không áp dụng được các chương trình đó trong thực tế gia công. Ở một số trường, sinh viên còn không được biết cách vận hành máy CNC như thế nào. Một số trường khác có nhiều máy CNC, có khả năng cho sinh viên thực hành trên máy CNC thì lại phải vướng phải một vấn đề đó là giáo viên giảng dạy không có kinh nghiệm thực tế. Trong khi đó các doanh nghiệp có nhu cầu về nhân lực CNC thì chủ yếu lại cần người có khả năng vận hành máy.

Một trong những nguyên nhân của những bất cập này là chương trình đào tạo đó là chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng nghề cơ khí của Bộ LĐTB&XH là chương trình được xây dựng thiên về thực hành, tuy nhiên phần lý thuyết được đưa vào trong chương trình lại quá dàn trải, bất cập với thực tế dẫn làm cho giáo viên rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, việc thiếu máy để thực hành cũng là một nguyên nhân có ảnh hưởng không nhỏ. Máy CNC hiện nay tuy rất phổ biến nhưng vẫn có giá thành cao và công tác bảo trì, bảo dưỡng khá tốn kém nên các trường khó đầu tư nhiều được. Phần mềm học CNC có thể giải quyết phần nào vấn đề này. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có rất nhiều phần mềm về máy CNC, lựa chọn phần mềm nào để làm phần mềm dạy học lại là vấn đề nhà trường cần quan tâm. Phần mềm nào vừa có thể mô phỏng được quá trình gia công mà giao diện và cách thức vận hành giống với máy thực tế phải được ưu tiên hang đầu trong dạy CNC. Một số trường hiện nay có những phần mềm khá đắt tiền của Châu Âu tuy nhiên lại không gần với thực tế gia công ở Việt Nam.

Kỹ năng và kinh nghiệm của người giảng dạy CNC cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo CNC phát triển chậm. Giáo viên giảng dạy CNC chủ yếu là tự học và tự vọc máy trong nhà trường nên thiếu kinh nghiệm thực tế. Có những giáo viên dạy CNC nhưng lại không thể vận hành máy CNC.

Một nguyên nhân nữa phải kể đến đó là quan điểm về CNC của người học: Người học CNC hiện nay thường có tâm lý thích lập trình (viết chương trình) và muốn biết càng nhiều câu lệnh càng tốt nhưng lại không biết được những lệnh nào là cần thiết, thường dùng trong thực tế gia công. Người học CNC còn có tâm lý nôn nóng học nâng cao trong khi những kiến thức cơ bản thì lại chưa nắm vững.

Công nghệ CNC góp phần không nhỏ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để phát triển công tác đào tạo CNC đáp ứng yêu cầu thực tế thì việc đầu tiên là phải thay đổi chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo phải do những giảng viên có kinh nghiệm thực tế gia công CNC xây dựng. Đồng thời, về phía người học cũng cần có cái nhìn đúng đắn hơn về lĩnh vực CNC. Để có thể tiếp cận dễ dàng hơn, người học nên chú trọng vào kỹ năng hơn là kiến thức CNC. Trong trường hợp thiếu máy CNC, người có thể lựa chọn những phần mềm trực quan, giống với thực tế để học tập.

Nguồn: Vũ Thế Mạnh